Thực hiện Kế hoạch số 134 ngày 11/6/2019 về thực hiện Đề án Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2019, toàn tỉnh có 57 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của các địa phương có khả năng tham gia vào chu trình OCOP, có 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống. Trong đó, có 23 nghề truyền thống, 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Ngoài 3 hiệp hội ngành hàng được thành lập, hiện có 4 huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của địa phương, 10 làng nghề đã được công nhận thương hiệu, nhãn mác; 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ... Tính đến đầu năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã có 69 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đang được triển khai trên toàn quốc. Những thống kê trên cho thấy, Thanh Hóa có lợi thế và tiền đề để phát triển những sản phẩm của chương trình OCOP.
Trên thực tế, nhiều sản phẩm khá chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến nên quy mô sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ. Điều này đặt ra vấn đề phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để đưa những sản phẩm OCOP trở thành mặt hàng mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho cư dân các vùng quê. Nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp tuy có từ lâu đời, nhưng đã được “nâng tầm” thành sản phẩm OCOP do bảo đảm những tiêu chí mới về quy trình sản xuất, chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm... Đó chính là lợi thế, là cơ hội để phát triển thị trường ngày càng rộng mở cho các sản phẩm OCOP, đưa những sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.
Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh đã có những hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho những sản phẩm bằng nhiều hình thức. Ngoài phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh để tăng cường tuyên truyền các sản phẩm OCOP, đơn vị liên tục vận động và hỗ trợ một phần kinh phí để các chủ cơ sở sản xuất đưa sản phẩm của mình đi dự các hội chợ, triển lãm...Tại hội chợ, triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020 với quy mô 350 gian hàng nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XIX, hàng chục sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được tham gia tại các gian hàng, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng trong những ngày giới thiệu, bày bán. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người biết đến những sản phẩm đặc trưng của các địa phương đã được công nhận hoặc ở dạng tiềm năng sản phẩm OCOP.
Nhằm giúp các cấp, các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức triển khai thực hiện Chương trình OCOP, UBND tỉnh đã giao Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn; mời các chuyên gia OCOP Trung ương về truyền giảng ở 3 hội nghị cấp tỉnh, 27 hội nghị cấp huyện cho 4.845 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể các cấp. Áp dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đưa các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam và trên sàn thương mại điện tử với tên miền: www.langnghethanhhoa.vn. Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cũng xây dựng Website Chương trình OCOP với tên miền: Ocoptinhthanhhoa.com.vn để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa.
Mục đích của Chương trình OCOP là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp đồng thời cũng là nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình XDNTM hiện nay. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Chính vì vậy, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP đã và đang góp phần quan trọng để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm sản phẩm đặc thù của từng địa phương, qua đó còn phát huy tính sáng tạo của các chủ thể OCOP để nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Minh Hải