Với những cơ chế chính sách này đã tạo cho các địa phương cũng như các chủ thể sản xuất có cơ hội, điều kiện tiếp cận để phát triển sản phẩm OCOP. Tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia, gắn với việc chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm truyền thống, làng nghề mang bản sắc của từng địa phương. Đến nay, chương trình đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thực hiện Chương trình nông thôn mới đi vào chiều sâu.
Để đạt mục tiêu trong năm 2021 phát triển mới được 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, từ đầu năm 2021 Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, lựa chọn những sản phẩm thế mạnh hỗ trợ xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh cùng với đó tiếp tục rà soát lựa chọn những sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm đợt 2, năm 2021.
Qua 5 tháng đầu năm đã có 7 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cẩp, trong đó, có 3 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao, gồm: Tổ yến sào, tổ yến chưng của Công ty TNHH Dịch vụ Yến Sào xứ Thanh (Hậu Lộc); giỏ Trái đất của Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (Nga Sơn); 4 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, gồm: Miến gạo Phúc Thịnh (Yên Định), tương Xuân Pha (Thọ Xuân), trà xanh túi lọc (Triệu Sơn) và mắm tép đặc biệt Tác Huy (Thị xã Nghi Sơn).
Theo Thông tin từ Tổ quản lý Chương trình OCOP (thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới), dự kiến có 25 sản phẩm của 12 huyện, thị xã, thành phố đủ điều kiện tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 2, năm 2021. Trong đó có 24 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, xếp hạng và 1 sản phẩm OCOP đăng ký nâng sao.
Dựa trên đề xuất của các địa phương, Tổ giúp việc Chương trình OCOP đã thẩm định thực tế sản phẩm tại cơ sở sản xuất, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Dự kiến, hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 2 sẽ diễn ra trong tháng 6- 2021.