Trong những chuyến đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... trong phát triển nông thôn, chúng tôi nhận thấy các phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan là những cách làm hay, phù hợp, đáng để học hỏi. Mục tiêu và nội dung chính của Chương trình là tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn bằng chính sự tổ chức của cộng đồng, nói cách khác gọi là phát triển kinh tế theo hướng nội sinh, thông qua đó nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn và phát triển một cách bền vững.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh cũng xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của các địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, cải cách hành chính, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp ngoài địa bàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.
Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan,... trong phát triển nông thôn, điển hình là phong trào OVOP, OTOP, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt triển khai Chương trình OCOP, với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.